Nổi dậy nắm quyền và chống triều đình Vương Đình Thấu

Mùa đông năm 820, Vương Thừa Tông ưu tử. Do hai con của Thừa Tông đang làm con tin tại triều, quân trung ủng hộ em trai ông ta là Vương Thừa Nguyên làm Tiết độ lưu hậu; nhưng Thừa Nguyên từ chối và dâng biểu lên triều đình xin cử người khác tới[6]. Vua Mục Tông dời Thừa Nguyên đến trấn Nghĩa Thành[7], và cho Tiết độ sứ Ngụy Bác[8] Điền Hoằng Chánh đến trấn nhậm Thành Đức.

Điền Hoằng Chánh trước kia từng tham gia thảo phạt Thành Đức, do đó lo sợ quân sĩ ở đây oán hận và chống lại mình, nên đem 2000 binh từ đất Ngụy theo để hộ vệ. Lúc đó triều đình đã định ban cho chư quân ở Trấn châu 100 vạn nhưng số tiền ấy không tới, trong quân bàn tán xôn xao. Hoằng Chánh đích thân phủ dụ, nhân tình mới yên. Sau đó Hoằng Chánh xin triều đình chấp nhận cho 2000 quân Ngụy ở đất Triệu và phát lương bổng cho họ. Dâng biểu bốn lần đều bị hữu ti giấu giếm, không tới được tai Mục Tông. Do không đủ chi phí nuôi quân nên đến giữa năm 821, ông phải để 2000 quân này trở về Ngụy Bác[6].

Trong khi đó Điền Hoằng Chánh lại không được lòng quân sĩ ở Thành Đức. Do gia quyến của Hoằng Chánh ở hai kinh Trường An, Lạc Dương rất nhiều, nên ngay từ lúc ở Ngụy và bây giờ là ở Triệu; Hoằng Chánh đều ăn bớt tiền trong phủ khố để chu cấp cho thân thuộc; do đó quân sĩ ở hai trấn đều rất bực. Cộng thêm việc số tiền 100 vạn không tới, quân sĩ chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng, cho rằng Hoằng Chánh ăn mất số đó đi. Vương Đình Thấu là người có dã tâm, đã khéo léo kích động sự tức giận của binh sĩ đất Triệu đối với Điền Hoằng Chánh, chuẩn bị làm phản. Đình Thấu lên kế hoạch tiến hành đại sự ngay sau khi 2000 quân Ngụy Bác rút đi.

Đêm ngày 29 tháng 8 năm 821 (tức ngày 28 tháng 7 năm nguyên niên Trường Khánh), Vương Đình Thấu cùng với binh sĩ dưới quyền kéo đến phủ đệ của Điền Hoằng Chánh, sau đó xông vào sát hại ông cùng với gia thuộc ở đất Triệu và thân tín, tham tá, tổng cộng hơn 300 người. Đình Thấu tự xưng tiết độ lưu hậu, tri binh mã sử; bức giám quân Tống Duy Trừng viết biểu xin triều đình ban tiết việt cho mình. Mục Tông giận lắm, hạ chiếu cho các trấn đem quân thảo phạt. Lại phong cho tướng cũ của Vương Thừa Tông là thứ sử Thâm châu Ngưu Nguyên Dực làm tiết độ sứ Thành Đức. Trong tháng này, tướng ở Trấn châu là Vương Vị cùng đồng đảng mưu sát Đình Thấu không thành, liên lụy đến hơn 2000 người[3]. Lúc đó ở Lư Long[9], Chu Khắc Dung bắt giam Tiết độ sứ Trương Hoằng Tĩnh, cùng với Đình Thấu liên kết chống nhà Đường.

Trong lúc quân triều đình ba mặt công đánh thì thứ sử Ký châu[10] Vương Tiến Ngập chiếm thành chống lại Vương Đình Thấu. Lúc đó tiết độ sứ Ngụy Bác Lý Tố mất, con Điền Hoằng ChánhĐiền Bố lên thay, nắm quân thảo phạt Trấn châu từ phía nam. Cùng với đó là quân của Tiết độ sứ Hà Đông[11] Bùi Độ từ phía tây, Tiết độ sứ Hoành Hải Ô Trọng Dận ở phía đông. Về sau Ô Trọng Dận do chần chừ bất tiến nên bị thay bởi Đỗ Thúc Lương. Quân triều đình tiếp tục đối phó bị động. Vương Đình Thấu xua quân bao vây Thâm châu. Tháng 11 ÂL, Đỗ Thúc Lương chiến bại, Vương Nhật Giản lên thay. Bùi Độ đem quân đóng ở Thừa Thiên chi viện cho Thâm châu, cũng bị quân Triệu đẩy lui, tình hình Thâm châu nguy cấp. Vua Mục Tông dùng Tiết độ sứ Phượng Tường Lý Quang Nhan làm Tiết độ sứ Trung Vũ, cứu Thâm châu. Nhà Đường kể từ lúc Hiến Tông tru quần đạo, ngân khố đã cạn, kho tàng hư kiệt. Khi Mục Tông lên ngôi, ban thưởng quá nhiều khiến tiền bạc không còn bao nhiêu. Quân chư trấn tham gia đánh Triệu hơn 15 vạn, triều đình tất nhiên không thể giải quyết nổi vấn đề lương thực cho họ. Lại thêm đường vận chuyển gian truân và thường bị giặc cướp, các cánh quân đều lâm vào cảnh đói khác. Mặc dù liên quân U-Trấn chưa tới 1 vạn còn quân Đường tới 15 vạn nhưng Lý Quang Nhan không có kế sách đối phó tình hình[3].

Mùa xuân năm 822, Sử Hiến Thành nổi dậy chống lại Điền Bố rồi đưa quân về Ngụy. Triều đình nghĩ đến việc xá tội cho Vương Đình Thấu. Tháng 2 ÂL, có chiếu phong ông làm Kiểm giáo hữu tán kị thường thị, Trấn châu đại đô đốc phủ trưởng sử, Tiết độ sứ Thành Đức, Quan sát sứ bốn châu Trấn Ký Thâm Triệu. Sai Thị lang bộ binh Hàn Dũ đến tuyên chiếu, Đình Thấu nhận phong nhưng vẫn bao vây Thâm châu. Tháng 3 ÂL, Ngưu Nguyên Dực cùng 10 kị binh lẻn thoát ra ngoài. Tướng trong thành là Tang Bình ra hàng, Đình Thấu trách việc cố thủ quá lâu, liền giết tướng lại hơn 180 người[3].

Tháng 5, nhà Đường sai sứ đến đòi hài cốt Điền Hoằng Chánh và gia thuộc Ngưu Nguyên Dực. Đình Thấu nói không biết hài cốt Hoằng Chánh ở đâu, còn gia thuộc Nguyên Dực thì xin đến thu sẽ trả lại. Năm 823, Ngưu Nguyên Dực (hiện là tiết độ sứ Sơn Nam Đông Đạo[12]) chết, Đình Thấu bèn giết sạch cả nhà ông (824).